0
Các giải pháp sau đây sẽ giúp bạn thực hiện nhiều thao tác hữu ích trên chiếc remote thiết kế hiện đại của thiết bị giải trí Apple TV thế hệ mới nhất.
Về cơ bản, Apple TV là một thiết bị giải trí có khả năng chuyển đổi và đưa tín hiệu lên màn hình TV để xem các nội dung trên Internet, đồng thời cũng có thể nhận tín hiệu video, âm thanh phát ra từ iPhone, iPad hay iPod Touch thông qua chức năng Air Play.
Khác với những phiên bản trước, Apple TV thế hệ thứ 4 (Gen 4) không chỉ được hãng nâng cấp về cấu hình phần cứng mà còn đi kèm chiếc điều khiển từ xa (remote) có thiết kế hoàn toàn mới, hiện đại hơn và cung cấp nhiều tính năng hơn. Ngoài phần điều khiển cảm ứng như trên trackpad (bàn rê cảm ứng) của MacBook, remote Apple TV Gen 4 còn trang bị nút Menu, nút Home, nút Siri, nút Play/Pause và hai nút chỉnh âm lượng.
Phần cảm ứng của remote cho phép người dùng thực hiện các thao tác vuốt và chạm một cách nhanh chóng, mượt mà. Bên cạnh đó, remote cũng được trang bị con quay hồi chuyển và cảm biến gia tốc nhằm phục vụ cho việc chơi game của người dùng.
Dưới đây là một vài điều thú vị về chiếc remote đi kèm Apple TV Gen 4 mà có thể bạn chưa biết.
Khi nào nên sạc remote
Theo công bố của hãng Apple, remote đi kèm Apple TV Gen 4 tích hợp pin Lithium-ion với thời gian sử dụng tối đa lên đến 3 tháng. Bạn có thể sạc cho remote bằng cách sử dụng cáp Lightning đi kèm máy. Cũng theo thông tin của Apple, phải mất khoảng 2,5 giờ để sạc đầy pin nhưng người dùng vẫn có thể sử dụng remote trong quá trình sạc.

                                                                 

Mặc định, Apple TV sẽ tự động thông báo cho người dùng biết khi pin của remote yếu và yêu cầu sạc pin. Tuy nhiên, bạn cũng có thể tự xem dung lượng pin còn lại của remote bằng cách truy xuất vào trình đơn Settings > Remotes and Devices > Remote.
Tắt thiết bị bằng nút Home
Về thiết kế, hầu như mọi phiên bản Apple TV đều không trang bị nút vật lý để bật/tắt nguồn. Do đó, ngoài việc rút dây điện, cách nhanh nhất để tắt các phiên bản Apple TV trước đây là nhấn và giữ nút Play/Pause trong vòng 5 giây. Trong khi đó, Apple TV  Gen 4 cho phép nhấn và giữ nút Home trên remote (nút tròn có biểu tượng màn hình máy tính) khoảng 5 giây rồi sau đó chọn Sleep Now để tắt nguồn thiết bị.
Thiết lập để Apple TV tự động tắt sau khoảng thời gian định trước.
Ngoài ra, Apple còn cung cấp một cách khác để tắt thiết bị Apple TV là truy xuất vào trình đơn Settings > Sleep Now. Tùy chọn này ngay sau đó sẽ chuyển Apple TV sang chế độ ngủ và bạn chỉ cần nhấn vào bất kỳ nút nào trên remote hay chạm vào phần cảm ứng để bật thiết bị trở lại. Lưu ý là bạn có thể điều chỉnh để Apple TV tự động tắt sau một khoảng thời gian không hoạt động. Để thực hiện, hãy vàoSettings > General > Sleep After để thiết lập mốc thời gian phù hợp.
Nhóm các ứng dụng vào cùng thư mục
Người dùng Apple TV Gen 4 có thể tạo thư mục để nhóm các ứng dụng cùng thể loại với nhau. Cách thực hiện tương tự như trên các thiết bị iOS khác như iPhone và iPad. Bạn chỉ cần nhấn và giữ phần cảm ứng trên remote vào một ứng dụng nào đó cần di chuyển cho đến khi nó chuyển sang trạng thái lắc lư, sau đó kéo ứng dụng đó đè lên một ứng dụng khác.
Phần cảm ứng trên remote có thể dùng để di chuyển các ứng dụng.
Lúc này, bạn sẽ thấy thiết bị tự động tạo tên thư mục phù hợp với thể loại của các ứng dụng bên trong, chẳng hạn như Games hay Sports. Để di chuyển một ứng dụng ra khỏi thư mục, bạn chỉ cần nhấn và giữ vào ứng dụng đó rồi kéo nó ra ngoài. Để xóa một ứng dụng trong thư mục, chỉ cần chọn ứng dụng rồi nhấn và giữ phần cảm ứng trên remote đến khi ứng dụng chuyển sang trạng thái lắc lư, nhấn nút Play/Pause và chọn Delete. Để đổi tên một thư mục, bạn chỉ cần nhấn vào thư mục đó để chọn rồi nhập vào tên mới.
Mở giao diện đa nhiệm bằng nút Home
Thông thường, người dùng thiết bị iOS có thể dễ dàng chuyển đổi qua lại giữa các ứng dụng đang chạy bằng cách vào giao diện đa nhiệm. Tương tự như vậy, giao diện tvOS trên Apple TV cũng cho phép giao diện đa nhiệm xuất hiện bằng cách nhấn đúp vào nút Home. Giờ đây, bạn sẽ thấy giao diện đa nhiệm trên Apple TV được bố trí với các ứng dụng đặt cạnh nhau tương tự như iOS 9.
Giao diện đa nhiệm trên Apple TV.
Giao diện đa nhiệm làm cho việc chuyển qua lại giữa các ứng dụng cực kỳ đơn giản và nhanh chóng mà không cần phải quay trở lại màn hình chính. Nếu một ứng dụng trên Apple TV bị lỗi hay đóng băng, bạn có thể buộc nó đóng bằng cách nhấn đúp nút Home để vào giao diện đa nhiệm. Bằng cách sử dụng phần cảm ứng trên remote, hãy vuốt sang trái hay phải để chọn ứng dụng mà bạn muốn đóng rồi sau đó vuốt lên để đóng ứng dụng giống như trên iPhone hoặc iPad.
Trợ lý ảo Siri
Một tính năng hoàn toàn mới và lần đầu tiên xuất hiện trên Apple TV là nút bấm kích hoạt Siri (nút tròn có biểu tượng hình chiếc micro), cho phép người dùng có thể điều khiển thiết bị thông qua giao tiếp bằng giọng nói với “cô trợ lý ảo” này. Bên cạnh các tính năng cơ bản như khởi động ứng dụng, mở game, xem phim hay hỏi thông tin về thời tiết, người dùng còn có thể yêu cầu Siri làm những tác vụ phức tạp hơn.
Nút bấm kích hoạt Siri được xem như là một trong những "đột phá" trên Apple TV thế hệ mới.
Ví dụ như khi xem phim, bạn có thể yêu cầu Siri tua lại một đoạn phim hoặc khi không nghe rõ đoạn hội thoại nào thì yêu cầu Siri hiển thị phụ đề. Ngoài ra, các thông tin liên quan tới bộ phim đó như tên đạo diễn, diễn viên đều được Siri sẵn sàng cung cấp. Tuy nhiên, một điều đáng tiếc là ngôn ngữ tiếng Việt vẫn chưa được tích hợp vào tính năng Siri.
Nguồn: PCWorld

Đăng nhận xét

 
Top